Tư duy tầm nhìn và tư duy tầm thường khác nhau như thế nào!?
Sự khác biệt giữa Tầm Nhìn và Tầm Thường đơn giản là một người có tầm nhìn xa và một người có tầm nhìn bình thường. Tầm nhìn và tầm thường không khác nhau ở hoàn cảnh xuất phát, mà ở cách họ nhìn nhận vấn đề và đưa ra quyết định.
Người có tầm nhìn không chỉ nhìn thấy hiện tại mà còn hình dung được cả tương lai. Họ không để bản thân bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu cũ hay tư duy ngắn hạn. Họ luôn đặt câu hỏi, đào sâu tìm hiểu và không ngừng khám phá giá trị mới. Đối với họ, thách thức là cơ hội, sự khác biệt là điều thú vị, và những điều chưa biết chính là động lực để họ tiến xa hơn. Ngược lại, người tầm thường chỉ nhìn nhận vấn đề trong phạm vi hẹp của mình. Họ chấp nhận những gì quen thuộc, ngần ngại trước cái mới và dễ dàng bác bỏ những điều nằm ngoài vùng hiểu biết của họ. Họ không đặt câu hỏi, không tìm tòi, mà chỉ bám vào những gì mình đã biết. Vì thế, khi đối diện với sự thay đổi, họ thường hoang mang, nghi ngờ, thậm chí vội vàng phán xét mà không cho bản thân cơ hội để hiểu sâu hơn. Sự khác biệt này thể hiện rõ trong cách mỗi người phản ứng trước điều lạ lẫm. Người có tầm nhìn sẽ tự hỏi: Tại sao lại như vậy? Điều này có giá trị gì không? Họ sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm để tìm ra ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, người tầm thường sẽ lập tức gạt bỏ hoặc phán xét ngay, chỉ vì điều đó không giống với những gì họ đã quen thuộc.
Tầm nhìn không chỉ mở ra cơ hội, mà còn giúp một người trở thành người dẫn đầu. Đối lập, sự tầm thường chỉ tạo ra rào cản, giữ con người mãi trong vùng an toàn của mình. Người có tầm nhìn tận dụng mọi yếu tố xung quanh để phát triển, trong khi người tầm thường chỉ chăm chăm tìm lỗi sai ở người khác mà không nhận ra ranh giới chính mình cần vượt qua. Sự khác biệt ấy quyết định ai là người tiên phong và ai mãi mãi chỉ là kẻ đứng bên lề.
Người có tầm nhìn sẽ luôn tự đi tìm câu trả lời, người tầm thường luôn sợ mọi thứ
Có người hỏi một anh nông dân: "Anh có trồng lúa mì không?". Anh nông dân trả lời: "Không, tôi sợ trời không mưa".
Người kia lại hỏi anh nông dân: "Vậy anh có trồng bông không?". Anh nông dân lại trả lời: "Không, tôi sợ kiến sẽ tha hết hạt giống".
Nghe vậy người này mới hỏi: "Vậy anh trồng gì?". Anh nông dân trả lời: "Tôi không trồng gì cả, tôi phải chắc chắn an toàn tuyệt đối mới làm".
Suy ngẫm:
Dám mạo hiểm cũng là một điều kiện không thể thiếu của người có tầm nhìn. Dám nghĩ dám làm mới có cơ hội thành công, không nghĩ không làm thì ngay cả cơ hội cũng không có. Người bình thường đôi khi vì sợ nguy hiểm mà tránh xa mạo hiểm, nhưng lại không biết rằng chính điều đó đã khiến cho bản thân mất đi cơ hội.
Viết bình luận